Chùa Lâm Quang là một ngôi chùa bình dị nằm trong con hẻm nhỏ ở địa chỉ số 301/117/70H Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt ở đây chính là nhà dưỡng lão tình thương do nhà chùa thành lập đã gần 20 năm nay, nơi nuôi dưỡng rất nhiều cụ già không nơi nương tựa. Hiện tại ở đây vẫn đang nuôi dưỡng 137 cụ trên 70 tuổi.
Việc mở nhà dưỡng lão xuất phát từ tấm lòng của Ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến hiện đang là trụ trì của chùa mong muốn các cụ khi về già sẽ có một chốn an dưỡng yên bình và được chăm sóc chu đáo. Chính vì vậy mà Ni sư đã đưa các cụ về phụng dưỡng với tất cả những gì mình có thể làm được. Thời gian đầu, để có đủ kinh phí cho việc chăm sóc tốt cho các cụ, các ni sư của chùa đã làm thêm rất nhiều việc như làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay đến nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có đám, tiệc… Mỗi ngày các sư cô và phật tử đến làm công quả cùng lo chăm sóc cho các cụ trong những công việc thường ngày trong từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh chỗ ở… Khi các cụ qua đời thì đều được nhà chùa lo hậu sự từ đầu tới cuối, từ các thủ tục an táng tới thờ cúng. Chính từ ý nghĩa nhân văn của việc làm nhân đạo này mà rất nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, đơn vị và cá nhân đã động lòng và cùng chung tay quyên góp tiền của, lương thực, thực phẩm và vật dụng cá nhân để giúp nhà chùa chăm sóc các cụ được tốt hơn.
Nhiều cụ khi mới vào chùa đã mắc nhiều bệnh hiểm nghèo như tiểu đường, bệnh thận, cao huyết áp…Có những cụ khi đến với cửa chùa đến khi trút hơi thở cuối cùng sư cô Huệ Tuyến không thể biết được cụ tên gì, bao nhiêu tuổi, đến từ đâu. Chính vì thế, khi cụ đã an nghỉ, sư cô Huệ Tuyến phải đặt cho cụ một Pháp danh.
Để có kinh phí nuôi dưỡng, chăm sóc các cụ bà các ni cô trong chùa phải ngày đêm làm thêm nhiều việc như làm nhang, bán xôi, bán hủ tiếu hay thậm chí là đi phục vụ nấu các món ăn chay cho các gia đình phật tử mỗi khi có đám giỗ.
Tấm lòng nhân ái của sư cô trụ trì và các ni cô đã lan tỏa đến nhiều nhà hảo tâm. Người đóng góp tiền, người đóng góp gạo, người đóng góp dầu ăn… để tiếp thêm kinh phí trang trải cho những bữa ăn của các cụ bà.
Mỗi buổi sáng các ni cô đã dậy từ 4h sáng, chuẩn bị mọi nguyên liệu để kịp đẩy xe ra chợ bán hủ tiếu và chuẩn bị bữa ăn sáng cho các cụ bà. Nhiều cụ bà còn khỏe thấy các ni cô tất bật cũng xắn tay áo xuống phụ nấu nướng. Người nhặt rau, người nấu nước lèo, người rửa chén bát… Rồi cứ như vậy, những câu chuyện của các ni cô kể với các bà, các mẹ cứ tiếp tục như không bao giờ dứt. Rồi những tiếng cười xòa của các bà cụ, của các ni cô làm không khí trong chùa thật ấm áp.
20 năm gắn bó với công việc, ni sư Thích Nữ Huệ Tuyến và các đệ tử chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi vì họ xem đây chính là cơ duyên của mình. Làm theo tâm nguyện của các bậc tiền nhân kiếp này xin được chở che những mái đầu bạc, để họ cảm thấy sống ở đây cũng như sống ở chính gia đình mình.